Không quảng cáo rầm rộ trên nhiều nền tảng nhưng nhiều đường dây cá độ trực tuyến vẫn có lượng truy cập khủng nhờ việc tích hợp vào các web xem bóng đá lậu.
Với từ khóa "trực tiếp bóng đá", Google sẽ cho ra hàng trăm triệu kết quả tìm kiếm trong chưa tới một giây. Trong số các kết quả hiện ra, người dùng dễ dàng bắt gặp các web xem lậu như tructiepbongda, xemtiviso, tructiephd, keonhacai...
Các trang này hiểu rất rõ người dùng cần gì, từ đó đưa ra từ khóa tối ưu tìm kiếm (SEO) hợp lý để dẫn dắt người chơi. Các nội dung như "xem bóng đá", "tivi trực tuyến", "xem vtv6"... rất hay được sử dụng.
"Học anh văn" trên trang cá cược
Theo số liệu từ Similarweb, chuyên trang phân tích lượng truy cập các trang web, có 50-80% lượt truy cập các trang xem bóng đá lậu đến từ tìm kiếm Google với các từ khóa "truc tiep bong da", "bong da truc tuyen", "k+"...
Những trang web này đang ngang nhiên vi phạm luật bản quyền khi trình chiếu nội dung World Cup 2018, bất chấp việc Việt Nam có thể bị cắt sóng giải bóng đá này.
Các trang cá độ thường tối ưu từ khóa tìm kiếm bằng những nội dung liên quan đến trình chiếu bóng đá lậu.Ngoài chiếu các trận đấu World Cup lậu và đặt quảng cáo, các trang cá độ còn xây dựng hệ sinh thái khá đầy đủ cho người xem từ diễn đàn, phân tích trận đấu, tin tức, lịch thi đấu, tỷ lệ kèo đến... học anh văn.
Tất cả những nội dung trên phục vụ mục đích duy nhất là giữ chân người xem càng lâu càng tốt trên trang. Với những thứ hấp dẫn đó, đánh bạc qua mạng đang ngày càng phát triển bởi người xem vừa cập nhật tin tức thể thao, vừa có thể đặt cược và theo dõi các trận đấu trên cùng một nền tảng. "Lưới nhện" này đang bủa giăng xung quanh người hâm mộ mùa World Cup 2018.
Vi phạm bản quyền bóng đá để quảng bá trang cá độ
Hầu hết trang chiếu lại các trận đấu bóng đá trái phép đều phục vụ cho mục đích quảng bá cá cược trái phép và các dịch vụ, sản phẩm tình dục.
Ngoài ra, một số trang cá cược còn đang tự quảng bá cho chính mình bằng cách phát lậu bóng đá, livestream trận đấu lên các fanpage Facebook. Thực trạng này dẫn đến hai mối nguy là xâm phậm bản quyền các trận đấu World Cup và sự phát triển thiếu kiểm soát của các trang web cá cược.
Rừng quảng cáo cá độ bên trong trang web chiếu lậu World Cup 2018.Theo tổ chức Minh bạch Quốc tế, châu Á chiếm tới 80% trong tổng ước tính 500 tỷ USD cá độ bất hợp pháp trên toàn cầu.
Vào kỳ World Cup năm 2014, cảnh sát quốc tế Interpol cho biết lực lượng công lực đã trấn áp các băng đảng tội phạm chi phối khoảng 2,2 tỷ USD cá độ bóng đá, chủ yếu qua các trang web trái phép tại Trung Quốc, Hong Kong, Macau, Malaysia, Singapore và Việt Nam.
Trả lời Zing.vn, Thượng tá Ngô Minh An, Phó trưởng Phòng PC50, Công an Hà Nội cho biết tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi cá cược đang rất tinh vi và phức tạp.
"Trước đây, cá cược bóng đá chỉ diễn ra ở quán cafe và các quận nội thành. Nhưng hiện nay, tình trạng này đã lan ra các vùng ngoại thành, nông thôn. Trước đây thành phần tham gia cá cược chỉ có người lớn và là đối tượng thuộc diện theo dõi. Nhưng bây giờ, cá cược bóng đá qua web đã tạo điều kiện cho nhiều tầng lớp tham gia trong đó có giới văn phòng, công nhân, thậm chí có cả học sinh, sinh viên", ông An nói thêm.
Kiếm tiền tỷ từ quảng cáo website cá độ
Khi vào trang người dùng sẽ choáng ngợp trước rừng quảng cáo đến từ các trang web cá độ bóng đá, "nhà cái" nhấp nháy xanh đỏ liên hồi.
"Những trang này sử dụng domain nước ngoài với sever mạnh. Mục đích chính của việc livestream lại các trận bóng thuộc bản quyền của VTV là nhằm tăng lượt truy cập", anh Thái Sơn, một nhà phát triển web ở quận Bình Thạnh, TP.HCM, chia sẻ.
Nếu tiếp tục diễn ra tình trạng xem lậu, khán giả Việt Nam có thể không xem được World Cup.Cũng theo anh Sơn, các trang này không ngại tạo hàng chục tên miền tương tự nhau. Mỗi lần bị phát hiện và triệt hạ, những đường dây cá độ này dễ dàng tạo trang mới bởi mã nguồn trang web và các thứ liên quan đều đã có sẵn.
Kết hợp với thói quen "thích xem lậu" của một bộ phận không nhỏ khán giả, những trang này dễ đạt hàng trăm ngàn đến hàng triệu lượt truy cập tuỳ giải đấu, tuỳ trận.
Những trang này sẽ gắn các mẫu quảng cáo cho các trang cá cược nhằm thu phí trên mỗi lượt click. "Chỉ trong 90 phút của trận khai mạc World Cup, một số trang thu hút được vài trăm nghìn lượt truy cập. Nếu suôn sẻ, hết mùa World Cup, những web này có thể thu về hàng chục tỷ đồng, tuy nhiên đó chỉ mới là từ tiền quảng cáo. Các trang này có hàng chục cách khác để sinh lợi nhuận", anh Sơn nói thêm.
Rêu rao "cá độ là hợp pháp" để thu hút người chơi
Để dẫn dụ người hâm mộ vào con đường cá độ, nhiều trang rao các gói cược hấp dẫn. Người dùng chỉ cần nạp vào vài trăm nghìn đồng là vừa có thể xem bóng đá với chất lượng HD, vừa có thể cá cược để thử vận may.
Các trang cá độ núp trong vỏ bọc truyền hình lậu có vô vàn cách thức hỗ trợ người chơi như nạp tiền qua thẻ cào, nhận tiền trực tiếp qua tài khoản cá nhân. Thậm chí một số trang còn chấp nhận các đồng tiền số như Bitcoin, Litecoin...
Đặc biệt các trang này còn nhấn mạnh việc tham gia online sẽ giúp người chơi giảm thiểu rủi ro liên quan đến pháp luật so với đánh bạc truyền thống bằng tiền mặt.
Thậm chí nhiều trang cá cược còn khẳng định mình là hợp pháp với lời khẳng định: "Quý khách có thể chơi cá độ đá banh online hợp pháp thông qua việc nạp tiền trên mạng và cá độ đá bóng ở 2 website khác nhau".
Trả lời Zing.vn, Luật sư Phan Vũ Tuấn, Trưởng văn phòng luật sư Phan Law cho rằng trước khi điều 68a, Luật thể thao được thông qua ngày 1/1/2019, tất cả các hình thức cá cược thể thao trên lãnh thổ Việt Nam đều vi phạm pháp luật. Hiện các trang này đều đặt máy chủ và đăng ký kinh doanh tại nước ngoài nên hai chữ "hợp pháp" ở trên không có giá trị ở Việt Nam.
Theo Xuân Tiến (Tri Thức Trực Tuyến)